· 

Bài diễn văn của Tổng thống Frank-Walter-Steinmeier gửi toàn thể nhân dân

Xin chào toàn thể đồng bào yêu quý!

 

Chỉ còn ít giờ nữa Lễ Phục Sinh sẽ bắt đầu. Ngoài kia, thiên nhiên đang đâm chồi nảy lộc và chúng ta đang khao khát được ra ngoài tự do, khao khát được đến với nhau: đến với những người thân, gia đình và bạn bè.

 

Chúng ta vẫn quen làm như vậy và điều đó là hiển nhiên. Nhưng năm nay mọi điều đã đổi khác. Thật là đáng buồn nếu không được đến thăm bố mẹ, nếu ông bà không được ôm những đứa cháu của mình vào lòng, đặc biệt là vào dịp lễ Phục Sinh này. Và năm nay còn nhiều điều khác nữa, không có những đám đông tụ họp đầy màu sắc trong công viên, không có những quán cà phê bên hè phố. Nhiều người không thực hiện được những chuyến du lịch đã mong mỏi từ lâu. Đối với các chủ nhà hàng và khách sạn mùa du lịch cũng không khởi sắc như trước kia. Con chiên không được tụ tập cầu kinh cùng nhau. Và tất cả chúng ta đều khắc khoải chưa biết rằng tình hình rồi sẽ biến chuyển ra sao?

Đúng vào dịp Lễ Phục Sinh, ngày lễ của sự vùng lên, ngày lễ mà tất cả những người theo đạo Thiên chúa trên khắp trên thế giới ăn mừng về việc sự sống đã chiến thắng cái chết thì chúng ta lại phải co mình lại. Co mình lại để bệnh tật và cái chết không chiến thắng sự sống.

 

Hàng nghìn người đã thiệt mạng. Ở đất nước chúng ta, ở Bergamo, ở Elsass, ở Madrid và New York (và còn ở nhiều nơi khác trên thế giới) (câu này chỉ có trong bản đọc trực tiếp của Tổng thống trên vô tuyến truyền hình). Những hình ảnh đó rất gần gũi với chúng ta. Chúng ta thương tiếc những người đã chết trong cô đơn, chúng ta nghĩ tới những thân nhân của họ đã không được chia tay với người thân của mình trong giờ phút lâm chung. Và chúng ta cảm ơn những người làm việc trong ngành y tế đã không mệt mỏi để cứu giúp những sinh mạng.

 

Và: Dù cho cuộc khủng hoảng đảo lộn cuộc sống của chúng ta, chúng ta càng nghĩ tới những người đã phải chịu đựng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng - những người ốm đau hoặc cô đơn, những người đang lo lắng về việc làm của mình về doanh nghiệp của mình, những người hành nghề tự do, những nghệ sĩ giờ đây đã không còn những hợp đồng biểu diễn, những gia đình, những người bố, người mẹ một mình nuôi con đang ở trong những căn hộ chật hẹp không có ban công, không có vườn.

Nạn đại dịch đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta có thể bị tổn thương. Có lẽ chúng ta đã tin tưởng quá lâu rằng chúng ta không thể bị tổn thương, tin rằng mọi điều chỉ có thể đi nhanh hơn, cao hơn và xa hơn mà thôi. Nhưng suy nghĩ đó là một sự nhầm lẫn. Nhưng không phải chỉ có như vậy, cuộc khủng hoảng này cũng chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng chúng ta mạnh mẽ như thế nào, chúng ta có thể tin tưởng vào điều gì!

Tôi vô cùng ấn tượng về kỳ tích của sức mạnh mà nước chúng ta đã đạt được trong những tuần vừa qua. Mặc dù mối đe dọa chưa được đẩy lùi. Nhưng giờ đây chúng ta cũng đã có thể nói được rằng mỗi người trong Quý vị đã thay đổi cuộc sống của mình một cách đáng kể. Mỗi người trong Quý vị qua đó đã góp phần cứu được sinh mạng và hàng ngày càng cứu được thêm nhiều sinh mạng nữa.

Có một điều rất tốt là nhà nước đã thực hiện những hành động mạnh mẽ trong một cuộc khủng hoảng mà từ trước tới nay chưa hề có kịch bản. Tôi kính mong Quý vị hãy tiếp tục tin tưởng bởi vì các nhà lãnh đạo ở cấp liên bang cũng như cấp bang đều biết rõ trách nhiệm vô cùng to lớn của mình.

 

Nhưng tình hình sẽ biến đổi như thế nào, chúng ta có thể nới lỏng những hạn chế vào thời điểm nào và như thế nào thì điều đó không thể chỉ được quyết định bởi những người ban hành chính sách và giới chuyên môn. Mà tất cả chúng ta đều nắm vận mệnh này trong tay, bằng sự kiên nhẫn cũng như bằng tính kỷ luật của mình, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay việc này là điều khó khăn nhất.

 

Kỳ tích của sức mạnh mà chúng ta đã đạt được trong những ngày vừa qua không phải là do có một bàn tay sắt bắt buộc chúng ta làm như vậy mà do chúng ta có một nền dân chủ sống động! Một nền dân chủ với những người dân có ý thức trách nhiệm, một nền dân chủ mà trong đó chúng ta tin tưởng lẫn nhau, lắng nghe những dữ kiện và lập luận và thể hiện lý trí của mình để làm những việc đúng đắn.

 

Một nền dân chủ mà trong đó mỗi một sinh mạng đều có giá trị và đều được coi trọng, từ những điều dưỡng viên đến bà Thủ tướng, từ Hội đồng chuyên gia khoa học cho tới những chỗ dựa hữu hình và vô hình của xã hội - tại những quầy thanh toán của các siêu thị, bên những chiếc vô lăng của các xe buýt hay xe tải, trong các lò bánh mì, trên các nông trại hay là những người vận chuyển rác thải. Nhiều người trong Quý vị đã trưởng thành và vượt lên khỏi chính bản thân mình. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả Quý vị về điều đó.

 

Và tất nhiên tôi cũng biết rằng tất cả chúng ta đang mong đợi cuộc sống bình thường trở lại. Nhưng thực ra điều đó có nghĩa là gì? Nhanh chóng trở lại với cuộc sống với những thói quen hằng ngày?

Không! Thế giới những ngày sau này đây sẽ là một thế giới hoàn toàn khác. Nó sẽ như thế nào? Điều đó do chúng ta quyết định! Chúng ta hãy rút ra từ những kinh nghiệm, những kinh nghiệm tốt và cả những kinh nghiệm xấu mà chúng ta đã chứng kiến hằng ngày trong thời kỳ khủng hoảng này.

 

Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta đang đứng giữa một ngã ba đường. Chính thời kỳ khủng hoảng đã mở ra hai hướng đi để chúng ta lựa chọn: Hoặc là mỗi người chỉ biết đến bản thân mình, chen vai huých cánh, đầu cơ tích trữ, chỉ lo cho chính bản thân mình hoặc là duy trì được tinh thần sáng tạo và sẵn sàng giúp đỡ mới được trỗi dậy? Liệu chúng ta còn giữ nguyên quan hệ với những người già mà chúng ta giúp họ đi chợ? Liệu chúng ta có tiếp tục dành cho những nhân viên tính tiền, những người chuyển bưu kiện sự đánh giá cao quý mà họ xứng đáng được hưởng?

Hơn thế nữa: sau cơn khủng hoảng này liệu chúng ta còn nhớ tới việc những công việc không thể thiếu được trong công tác điều dưỡng, cung ứng, trong các ngành nghề xã hội, trong các nhà trẻ và trường học - là những công việc thực sự có giá trị đối với chúng ta? Liệu những người qua khỏi được cơn khủng hoảng này một cách dễ dàng hơn về mặt kinh tế có giúp đỡ cho những người đặc biệt gian nan để vực họ dậy hay không?

 

Và: Chúng ta trên thế giới này có cùng nhau tìm ra lối thoát không, hay là chúng ta lại quay trở lại trạng thái co cụm và ích kỷ. Chúng ta hãy chia sẻ mọi kiến thức, mọi công trình nghiên cứu để chúng ta có thể nhanh chóng có được chất tiêm phòng và điều trị và chúng ta cần liên kết toàn cầu với nhau để cho những nước nghèo nhất, những nước bị thương tổn nhiều nhất cũng có điều kiện tiếp cận. Không, nạn đại dịch này không phải là một cuộc chiến tranh. Không có quốc gia nào chống lại nhau, không có những người lính chống lại nhau. Nó là một sự thử thách đối với nhân tính của chúng ta. Nó thức tỉnh những điều tốt nhất và những điều xấu nhất trong con người của chúng ta. Chúng ta hãy chỉ cho nhau những điều tốt nhất trong bản thân mình!

 

Và chúng ta hãy chỉ ra điều đó tại châu Âu! Nước Đức không thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này một cách cường tráng và khỏe mạnh nếu láng giềng của chúng ta không cường tráng và khỏe mạnh. Lá cờ màu xanh treo ở đây không phải là vô cớ. 30 năm sau khi nước Đức thống nhất, 75 năm sau khi chiến tranh kết thúc, người Đức chúng ta không phải chỉ được kêu gọi về tình đoàn kết tại châu Âu mà chúng ta còn có nghĩa vụ đoàn kết. Tôi biết rằng đây là một từ vĩ đại. Nhưng phải chăng hiện tại mỗi người chúng ta đều thấm nhuần được một cách cụ thể và mang tính sống còn ý nghĩa của tình đoàn kết? Việc làm của tôi mang tính sống còn đối với những người khác.

Chúng ta hãy lưu giữ cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu này. Tình đoàn kết mà Quý vị giờ đây đang thể hiện hằng ngày là điều mà chúng ta càng cần hơn trong tương lai! Sau cuộc khủng hoảng, chúng ta sẽ trở thành một xã hội khác. Chúng ta không muốn trở thành một xã hội hãi hùng và đầy hoài nghi. Chúng ta có thể trở thành một xã hội có thêm nhiều niềm tin, thêm nhiều sự tôn trọng và đầy tự tin.

Như vậy có phải là hy vọng quá nhiều ngay cả trong dịp lễ Phục sinh hay không? Con virút không có quyền trả lời câu hỏi này. Bản thân chúng ta phải tự quyết định.

 

Trong thời gian tới nhiều việc sẽ không đơn giản. Chúng ta đòi hỏi ở bản thân chúng ta nhiều và cũng tin tưởng lẫn nhau nhiều. Chúng ta có thể và chúng ta sẽ trưởng thành trong tình hình này.

 

Xin chúc quý vị lễ Phục sinh vui vẻ, mọi điều tốt lành - Hãy quan tâm và nghĩ về nhau!

____________________________________________________________________________________

Dịch giả: Nguyễn Đức Thắng